Về chúng tôi

Thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính tại Việt Nam

Vì sao kinh doanh liêm chính?

Khi thủ tục của cơ quan nhà nước chậm trễ hoặc gây khó khăn, doanh nghiệp thực hiện hành vi hối lộ và khó khăn được giải quyết. Nhưng khó khăn không dừng lại mà có khi còn tăng lên bởi có động cơ lợi ích. Như vậy doanh nghiệp từ chỗ là nạn nhân đã trở thành tác nhân làm cho hối lộ gia tăng.

Nguy hại hơn, khi hối lộ đã trở thành một căn bệnh lây lan từ khu vực công sang chính nội bộ của các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp tư nhân: hối lộ cấp trên, ăn chia, chiếm dụng tài sản công, lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân v.v… Sức mạnh của doanh nghiệp đã bị suy yếu từ bên trong.

Không chỉ tiêu tốn cho những khoản chi phí không chính thức để hối lộ mà quan trọng hơn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị bào mòn, mất đi các cơ hội kinh doanh khi yêu cầu minh bạch đang trở thành một điều kiện tiên quyết để đầu tư và hợp tác trong môi trường kinh doanh hiện nay. Để đạt được những lợi ích nhỏ trước mắt, doanh nghiệp đã tự làm mất đi cả tương lai phát triển, thậm chí doanh nghiệp phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nghiêm khắc. 

 

Chúng tôi là ai?

Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (SDforB) là một đơn vị hạch toán  phụ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tài khoản, mã số thuế và con dấu riêng hoạt động, thành lập vào ngày 3/8/2006 do Chủ tịch VCCI phê duyệt.

SDforB thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất và tư vấn cho Ban Thường trực VCCI, các cơ quan chính phủ có liên quan về vấn đề hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ, định hướng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các nhóm hoạt động nâng cao nhận thức, tư vấn, xây dựng năng lực, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam,… nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Coi quản trị minh bạch và kinh doanh liêm chính là cái gốc của phát triển bền vững, SDforB đã và đang triển khai rất nhiều chương trình/sáng kiến góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững dài hạn tại Việt Nam.

Những hoạt động nổi bật có liên quan trong hơn 10 năm nỗ lực thúc đẩy kinh doanh liêm chính do SDforB – VCCI thực hiện gồm:

Chúng tôi làm gì?

Phát huy những kết quả đạt được từ Sáng kiến Xây dựng tính minh bạch và nhất quán trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam và Đề án 12 của VCCI, từ năm 2016 tới nay, VCCI đã và đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy thực hiện liêm chính tại Việt Nam như tiểu dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng”, Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ – GBII với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh, Chương trình Cải cách thương mại Khu vực Đông Nam Á thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh công bằng tại ASEAN” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hoạt động nâng cao nhận thức và truyền thông

  • Tổ chức các hội thảo, hội nghị và diễn đàn cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các thực tiễn tốt về thúc đẩy tính liêm chính trong kinh doanh với gần 1000 lượt doanh nghiệp tham dự.
  • Tăng cường sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả có 14 Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tham gia ký “Cam kết kinh doanh liêm chính”; đồng thời hỗ trợ ngân sách cho một số Hiệp hội như VACOD, Hiệp hội lương thực TP.HCM,… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thực hiện liêm chính kinh doanh.

Hoạt động đào tạo, xây dựng năng lực

  • Đào tạo cho hơn gần 2000 lượt doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Bằng Sông cửu long, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên và Ninh Bình… thông qua hàng loạt các khóa tập huấn trực tiếp cho các doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ kỹ thuật cho 03 doanh nghiệp xây dựng thí điểm mô hình thành công áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (2 giai đoạn từ 2019 – 2020), hỗ trợ Công ty Fine Scandanvia thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử (năm 2019) và dự kiến hỗ trợ Công ty Cổ phần Traphaco chuẩn hóa cơ chế kiểm soát nội bộ và hoạt động ban kiểm soát/ban kiểm toán (năm 2021).
  • Xây dựng bộ công cụ trực tuyến để tạo kênh thông tin giúp các DNNVV tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về quản lý tuân thủ các quy tắc liêm chính.
  • Xuất bản Cẩm nang hướng dẫn Doanh nghiệp áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh.

Hoạt động nghiên cứu, khuyến nghị chính sách

  • Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp – Đưa liêm chính thành trọng tậm của hoạt động kinh doanh” nhân dịp Thủ tướng Anh David Cameron sang thăm chính thức Việt Nam.
  • Tổ chức 01 đoàn công tác bao gồm các đại diện lãnh đạo cấp vụ gồm Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính trung ương… sang Anh quốc nghiên cứu kinh nghiệm về thúc đẩy thực hiện liêm chính trong khu vực công và khu vực tư.
  • Thu thập ý kiến phản hồi của doanh nghiệp và đóng góp ý kiến xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng (2018), Nghị định 59 về hướng dẫn thực thi Luật PCTN.
  • Lập báo cáo khuyến nghị chính sách trình Chính phủ về các giải pháp khả thi trong phòng chống tham nhũng trong kinh doanh và đề xuất ý tưởng Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ – GBII nhằm tăng cường sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan chính phủ trong phòng chống tham nhũng và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và tuân thủ pháp luật.
  • Nghiên cứu đánh giá hiện trạng doanh nghiệp áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh; xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử để thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ Luật PCTN (2018) và chủ động xây dựng cơ chế/chính sách quản trị doanh nghiệp tốt hướng tới phát triển bền vững.
  • Tích cực chủ động xây dựng dự thảo đề xuất ý tưởng dự án “Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam – VBIN” nhằm huy động sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia tăng cho doanh nghiệp.

Hoạt động hợp tác quốc tế

  • Phối hợp với IBLF Global nội địa hóa Bộ công cụ “Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và ngừa phòng ngừa tham nhũng” do nhóm các nhà lãnh đạo (B20) thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) biên soạn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Phối hợp với Thanh tra chính phủ, OECD và UNDP tổ chức thành công Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống Tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nhiều hoạt động khác có liên quan.

 

Các đối tác của chúng tôi
  • Đại sứ quán Anh tại Hà Nội: Chính phủ Anh cam kết hỗ trợ các quốc gia trên Thế giới và khẳng định là đối tác lâu dài với Việt Nam, trong đó có các tổ chức, cơ quan chính phủ bao gồm VCCI, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, UNDP Việt Nam,… thông qua Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh. Tại Việt Nam, có rất nhiều chương trình và dự án khác nhau được hỗ trợ nhằm thực hiện Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), thúc đẩy mạnh mẽ kinh doanh liêm chính gắn với văn hóa tuân thủ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, cung cấp quan điểm quốc tế về cải cách quy định pháp luật.
  • Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP): Trong khuôn khổ dự án FairBiz (Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN), UNDP phối hợp với  Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SDforB) thực hiện các hoạt động thúc đẩy hệ thống minh bạch trong khu vực tư, khuyến khích kinh doanh liêm chính, giảm thiểu rủi ro tham nhũng và từ đó xây dựng môi trường kinh doanh công bằng.  
  • IBLF Global (www.iblfglobal.org): Là tổ chức tư vấn độc lập cho các công ty, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, cơ quan chính phủ về xây dựng, triển khai các thực tiễn kinh doanh có trách nhiệm tại các thị trường có thách thức; đồng thời cung cấp tư vấn giải pháp về cách thức phòng, chống tham nhũng và các thách thức có liên quan trong kinh doanh và chuỗi cung ứng….  Chúng tôi làm việc tại các quốc gia mới nổi, đang phát triển và đã thực hiện nhiều dự án ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Phi cận Sahara, Trung Á, Trung Quốc và các quốc gia khác nhau trong ASEAN. Tại Việt Nam, chúng tôi có quan hệ đối tác lâu dài với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan chính phủ và UNDP.