Bộ công cụ

Hướng dẫn  doanh nghiệp tiếp cận cách thức phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh

Quản trị rủi ro tham nhũng là gì?

Quản trị rủi ro tham nhũng là việc xây dựng chiến lược chính sách, triển khai và thực hiện chiến lược, chính sách và các quy trình liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn hạn chế rủi ro tham nhũng ở mức thấp nhất.

Vai trò của quản trị rủi ro tham nhũng trong doanh nghiệp

Mục đích của quản trị rủi ro tham nhũng trong doanh nghiệp là bảo vệ và đóng góp những giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp và các đối tác liên quan của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra.

Quản trị rủi ro tham nhũng cũng giúp người quản lý doanh nghiệp có cơ sở hiểu biết thấu đáo và chặt chẽ hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh cũng như cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Bước này cũng giúp doanh nghiệp loại bỏ những rủi ro tham nhũng trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp, giúp tăng cường và xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp; tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Mục đích cuối cùng của quản trị rủi ro tham nhũng là đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đảm bảo sự cân bằng giữa rủi ro có thể chấp nhận được với lợi nhuận mang lại.

Xác định các mối đe dọa

Giai đoạn đầu tiên trong việc quản lý rủi ro là xác định các mối đe dọa mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Đó có thể là con người (nhân viên, đối tác, khách hàng, cán bộ nhà nước,…), thủ tục (thủ tục không rõ ràng, có kẽ hở để người khác lợi dụng); dự án (các doanh nghiệp có thể liên kết để loại bỏ đối thủ); chính trị (sự đe dọa từ những chế độ thuế, ý kiến công chúng, chính sách của chính phủ,…).

Phân tích và đánh giá rủi ro tham nhũng

Trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ, sau khi đã xác định được những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, chúng ta cần phân tích và đánh giá rủi ro tham nhũng. Khi thực hiện bước này, doanh nghiệp cần nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của mỗi rủi ro và khả năng xảy ra rủi ro là cao, trung bình hay thấp. Có một cách nhanh chóng để đánh giá về khả năng xảy ra rủi ro là tự đặt và trả lời những câu hỏi sau:

  • Tôi có hiểu về lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao trong hoạt đông kinh doanh không?
  • Tôi có cam kết hoặc có chính sách liêm chính trong mối quan hệ với chính quyền không?
  • Tôi đã hiểu rõ quy định của luật pháp Việt Nam về tham nhũng và phòng chống tham nhũng hay chưa?
  • Tôi có hợp đồng với các điều khoản và điều kiện thanh toán rõ ràng và phù hợp với các đối tác không?
  • Tôi đã kiểm tra thông tin đầy đủ về đối tác kinh doanh, liên doanh của mình hay chưa?

Nếu câu trả lời cho những câu hỏi trên là “có” – điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang đi đúng hướng trên con đường bảo vệ công ty và các đồng nghiệp khỏi vấn nạn tham nhũng. Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên là “không” thì doanh nghiệp cần thực hiện thêm một số biện pháp bổ sung.