Giới thiệu Sáng kiến Liêm chính – VBIN

Bối cảnh & Sự cần thiết
  • Năm 2020 còn 5,4% doanh nghiệp phải trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (VCCI, Báo cáo PCI 2020).
  • Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” là 41,2%.
  • Tham gia đánh giá theo Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN kể từ năm 2011, kết quả chấm điểm các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên TTCK Việt Nam qua nhiều năm vẫn cho thấy chất lượng áp dụng quản trị còn thấp và chưa đạt được các chuẩn mực mà ASEAN hướng tới.
  • Nhu cầu ngày càng tăng của các bên liên quan như: nhà đầu tư, nhà cung cấp, khách hàng, ngân hàng về kinh doanh liêm chính và tính minh bạch của thông tin.
    • Tiếp cận vốn và tín dụng.
    • Lựa chọn người mua/nhà cung cấp, đặc biệt trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế và tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, VCCI đề xuất ý tưởng thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam (VBIN).

Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam

Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam – VBIN là sáng kiến do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương Quốc Anh thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh công bằng ở ASEAN” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc – UNDP. Đây là sáng kiến mang tính định hướng doanh nghiệp, do doanh nghiệp dẫn đầu (bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài) với trọng tâm về kinh doanh liêm chính.

 

  • Tên tiếng Việt: Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam – VBIN
  • Tên tiếng Anh: Vietnam Business Integrity Network – VBIN

 

Nhiệm vụ & Mục tiêu
Nhiệm vụ của VBIN:
  • Là sáng kiến mang tính định hướng doanh nghiệp, do doanh nghiệp dẫn đầu nhằm huy động sự tham gia mang tính tập thể của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới đảm bảo tính minh bạch và liêm chính trong kinh doanh;
  • Tích cực thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt thông qua việc doanh nghiệp chủ động áp dụng các tiêu chuẩn, thực tiễn/mô hình kinh doanh tốt, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu của VBIN:
  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài) về kinh doanh liêm chính trong các hoạt động kinh tế nhằm hướng tới phát triển bền vững;
  • Thúc đẩy hành động của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về các nguyên tắc và thực tiễn kinh doanh liêm chính, áp dụng các thực tiễn tốt vào hoạt động kinh doanh của minh;
  • Tăng cường sự tham gia của nhiều bên (doanh nghiệp, hiệp hội, NGOs, nhà tài trợ, cơ quan chính phủ) để thu hút đối thoại chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và giảm thiểu các nguy cơ làm gia tăng gian lận, tham nhũng trong kinh doanh.
Đối tượng & Lợi ích

Nhóm doanh nghiệp mục tiêu

Cơ sở

a) Doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán

  • Yêu cầu về minh bạch thông tin và liêm chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng Khoán và các văn bản luật liên quan
  • Yêu cầu từ thị trường

b) Doanh nghiệp cổ phần đại chúng

  • Yêu cầu về minh bạch thông tin và liêm chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng Khoán và các văn bản luật liên quan.
  • Yêu cầu từ thị trường

c) Doanh nghiệp Nhà nước

  • Yêu cầu về minh bạch thông tin và liêm chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP quy định về việc công bố thông tin của DNNN, và các văn bản luật liên quan.
  • Yêu cầu từ thị trường

d) Các doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp khác (doanh nghiệp Việt Nam và FDI).

  • Yêu cầu về minh bạch thông tin và liêm chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
  • Yêu cầu từ thị trường

e) Các công ty tư vấn, công ty luật, công ty kế toán kiểm toán

  • Là các doanh nghiệp tác nhân quan trọng đối với các nỗ lực vận động, đóng góp cho việc minh bạch hóa thông tin, tính liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Tham gia VBIN sẽ mang lại lợi ích cụ thể cho các đối tượng là doanh nghiệp mục tiêu như sau: 

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và có hành động cụ thể về đáp ứng một nhu cầu tự thân và vô cùng cần thiết của các doanh nghiệp là kinh doanh liêm chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, và khả năng phát triển bền vững của chính doanh nghiệp mình.
  • Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và thực thi các thông lệ tốt về kinh doanh liêm chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường (ví dụ như tới các nhà nhập khẩu, người mua, hoặc khách hàng có mối quan tâm tới các vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), tiếp cận nguồn lực (ví dụ như khi vay vốn ngân hàng, tín dụng).
  • Giúp các doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định của pháp luật về kinh doanh liêm chính, minh bạch thông tin.
  • Xây dựng một nền tảng mới để các doanh nghiệp tham gia thực thi trách nhiệm xã hội của mình.
Nội dung & Nguyên tắc hoạt động
Nội dung hoạt động:

Truyền thông, nâng cao nhận thức:

  • Tổ chức các hội thảo, hội nghị/diễn đàn cung cấp thông tin trên cả nước nhằm nâng cao hoạt động truyền thông về minh bạch thông tin, liêm chính.
  • Triển khai các hoạt động khác như đánh giá xếp hạng Doanh nghiệp có thông lệ tốt về minh bạch, liêm chính, lập báo cáo thường niên về kinh doanh liêm chính của VBIN nhằm giúp nâng cao nhận thức về tính nhất quán và minh bạch hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp; hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) doanh nghiệp với các thông tin, chỉ tiêu về tính liêm chính, mức độ minh bạch thông tin.

Tư vấn, xây dựng năng lực

  • Tư vấn về xây dựng chính sách nội bộ cho doanh nghiệp về minh bạch thông tin và liêm chính cho các doanh nghiệp có nhu cầu và/hoặc các cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu;
  • Đào tạo, nâng cao nhận thức về các vấn đề kinh doanh minh bạch và liêm chính.

Khuyến nghị xây dựng chính sách

  • Xây dựng báo cáo thường niên của VBIN về doanh nghiệp minh bạch và kinh doanh liêm chính.
  • Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, thu thập ý kiến phản hồi góp ý về các quy định pháp luật có liên quan tới minh bạch thông tin, và kinh doanh liêm chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;
  • Tiến hành nghiên cứu nhằm phân tích và đánh giá tác động của tham nhũng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xác định điều kiện và thực tiễn khiến tình trạng tham nhũng gia tăng trong khu vực doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các lĩnh vực khác và từ đó kiến nghị chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hội viên.

Hợp tác quốc tế

  • Tích cực tham gia các sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy tính nhất quán và minh bạch trong hoạt động kinh doanh và cập nhật tình hình xu thế quốc tế để lựa chọn áp dụng vào Việt Nam;
  • Chia sẻ thực tiễn trong nước với quốc tế về nỗ lực đóng góp của Việt Nam góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt mục tiêu số 16.

 

Nguyên tắc hoạt động:
  • Do các doanh nghiệp dẫn đầu với sự quản lý, điều phối của VCCI
  • Sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài
  • Sự tham gia và hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước
  • Tự chủ tài chính bền vững thông qua cung cấp dịch vụ
  • Dễ dàng thiết lập và duy trì hoạt động
Cơ cấu tổ chức VBIN