Tin tức & Sự kiện

Cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động thúc đẩy kinh doanh liêm chính

Bài viết mới nhất

Ra mắt Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam
21.09.2022
307 views

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2022 – Chỉ số Kinh doanh Liêm Chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) ngày hôm nay tại Hà Nội. Đây là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp (xem bản giới thiệu tóm tắt chỉ số VBII tại đây).     Chỉ số được xây dựng dựa trên bảy yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); Quy tắc ứng xử, Kiểm soát, Truyền thông, Thực hiện (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); Tuân thủ và Chứng nhận đạt chuẩn.   VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước. Nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.   Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt. Điều này được phản ánh trong việc Chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ. Một ví dụ về xu hướng này là Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp của Liên minh Châu Âu, cũng như các luật liên quan của EU và các thành viên EU. Việc công khai thông tin ngoài việc mang tính chất quan trọng, cần phải được tin tưởng là chính xác và công bằng.     Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng, mức độ tham nhũng thấp và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Trong đó, ứng xử của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.   Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.   Tuy nhiên, thực trạng chỉ ra rằng tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6 vừa qua cho thấy ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng Chính phủ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là văn hóa hoa hồng hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.   “Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân”, Phó đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman phát biểu khai mạc. “Chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc. Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, sự liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các Cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng. Các doanh nghiệp cần phải đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, các công ty quốc tế sẽ xem sự tôn trọng của các quốc gia đối với hành vi kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và pháp quyền là những yếu tố quan trọng”.   VBII được xây dựng dưới hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở sáu quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).    “Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới”, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội cho biết. “Cùng với các đối tác Việt Nam và quốc tế, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng và thực hiện cam kết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, cải cách kinh tế hiệu quả cũng như những bước tiến trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới”.   Các chính sách về công bố, minh bạch và liêm chính của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến mức độ liêm chính của doanh nghiệp trên thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị và lợi ích của sự liêm chính trong kinh doanh. Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu cho thấy họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua và khách hàng. Đây là một lợi thế đã được chứng minh rõ ràng cho những công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.   “Phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai,” Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh. “Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện và giới thiệu ngày hôm nay chính là một bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.   VBII là một công cụ cần được duy trì và cải tiến dựa trên kinh nghiệm làm việc. UNDP cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh, cũng như hỗ trợ VCCI sử dụng và cải tiến công cụ này. Thúc đẩy minh bạch và liêm chính tiếp tục là trọng tâm của Văn kiện Chương trình Quốc gia của UNDP cho Việt Nam (2022-2026).  

Tin dự án, Tin tổng hợp

Tiếp nối thành công của hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề ánMạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam (VBIN) là một sáng kiến định hướng bởi doanh nghiệp với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh. Vào sáng 10/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức cuộc họp khởi động Tổ Cố vấn chuyên môn thành lập VBIN nhằm giới thiệu các thành viên chủ chốt của Tổ Cố vấn VBIN, thảo luận về kế hoạch hoạt động 6 tháng tới và đồng thời khẳng định sự sẵn sàng hỗ trợ phát triển mạng lưới này.   Tại cuộc họp, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục Trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng đã có bài phát biểu  ủng hộ mạnh mẽ cho mục tiêu của VBIN. Ông cũng nhấn mạnh rằng mạng lưới VBIN là rất cần thiết và quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, đại diện Thanh tra Chính phủ bày tỏ sẽ đồng hành cùng sáng kiến về việc tư vấn đầy đủ các chủ trương, chính sách, luật pháp của nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường thực hiện liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, ông Thomas, Giám đốc điều hành Mạng lưới Trách Nhiệm Xã hội Đông Nam Á (ASEAN CSR Network) đánh giá cao mạng lưới VBIN và đưa ra quan điểm liêm chính là giải pháp trọng tâm trong chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp duy trì tính tự cường, hướng tới sự bền vững lâu dài và đặc biệt nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu khó khăn của thị trường trước bối cảnh đại dịch Covid. Khi doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu sẽ góp phần nâng cao uy tín với khách hàng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.   Ngoài ra, ông Lê Duy Bình, Giám đốc ECONOMICA, tư vấn kỹ thuật cho Đề án VBIN đề cập về xây dựng bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp liêm chính nhằm xếp hạng doanh nghiệp theo tiêu chí về mức độ thực hành liêm chính trong kinh doanh. Trong giai đoạn đầu, bộ tiêu chí cần được thiết kế phù hợp với nhóm công ty đại chúng sau đó sẽ mở rộng phạm vi tới nhiều quy mô doanh nghiệp khác nhau. Từ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng các bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp,  Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) nêu rõ cách thức huy động hiệu quả  cộng đồng doanh nghiệp tham gia bộ chỉ số này gắn liền với nâng cao nhận thức về văn hóa kinh doanh liêm chính. Chính vì vậy, mạng lưới VBIN được kỳ vọng có thể kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và truyền thông kêu gọi nỗ lực tập thể cùng hành động cải thiện môi trường kinh doanh công bằng thông qua tăng cường tính liêm chính, minh bạch thông tin và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.   Cuộc họp quy tụ gần 30 thành viên cam kết tham gia Tổ Cố vấn chuyên môn VBIN đến từ khối doanh nghiệp đại chúng, các công ty kiểm toán Big4, công ty Luật, các tổ chức quốc tế, đại diện nhà tài trợ, các giảng viên, chuyên gia nước ngoài giàu chuyên môn. Thông qua cuộc họp, các thành viên Tổ Cố vấn đã tích cực trao đổi và chia sẻ mong muốn khi tham gia vào mạng lưới VBIN  để mở ra các cơ hội hợp tác mới và phối hợp nguồn lực giữa từng thành viên. Các đề xuất của Tổ Cố vấn đã cung cấp cơ sở nền tảng cho các bước công việc tiếp theo thúc đâỷ sự phát triển của VBIN như thành lập ba nhóm công tác gồm: Nhóm phụ trách đào tạo; Bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp liêm chính; Truyền thông vận động; Đề xuất nội dung các sản phẩm dịch vụ ưu tiên…

10.09.2021
562 Lượt xem
Tin tổng hợp

Các chính phủ đang là những người mua hàng hóa và dịch vụ công lớn nhất. Mua sắm công chiếm khoảng 12% GDP ở các nước OECD và là cách thức chính để cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, y tế hay giáo dục. Giá trị đồng tiền vẫn là nguyên tắc căn bản của mua sắm công. Tuy nhiên, khái niệm này đã phát triển để bao hàm cả các vấn đề khác như môi trường, kinh tế và xã hội. Điều này làm cho mua sắm công trở thành một công cụ chiến lược để đạt được các mục tiêu chính sách như Mục tiêu phát triển bền vững và để thúc đẩy Hành vi kinh doanh có trách nhiệm (RBC).   Các chính phủ có thể nêu gương bằng cách đưa các tiêu chuẩn kinh doanh có trách nhiệm (mục tiêu RBC) vào các chính sách và hoạt động mua sắm công để đảm bảo lợi ích công và thực hiện minh bạch trong chi tiêu công. Việc lồng ghép các mục tiêu của RBC trong mua sắm công sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính ngay trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp.   OECD đã khởi động một chương trình để thúc đẩy việc tích hợp Quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm (RBC), đặc biệt là thẩm định dựa trên rủi ro, vào các chính sách và quy trình mua sắm công. Kể từ tháng 10/2019 OECD thực hiện chương trình dựa trên 3 trụ cột:   1) Nghiên cứu và phân tích để hỗ trợ xây dựng chính sách: OECD xem xét các thông lệ hiện có ở các nước để lồng các mục tiêu RBC vào chính sách và hoạt động mua sắm công. OECD đưa ra các nhận định chính sách cho các chính phủ về lợi ích và các bài học khi lồng ghép mục tiêu RBC trong mua sắm công.   2) Chia sẻ tri thức để thúc đẩy thực hiện: OECD tạo diễn đàn để các nước trao đổi học hỏi và hợp tác trong thực hiện RBC vào mua sắm công. Diễn đàn này gồm những người hành nghề, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về mua sắm công và RBC. Đây là không gian để trao đổi về các giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như thông qua thẩm định chuỗi cung ứng trong mua sắm công.   3) Thực hiện: OECD thí điểm thực hiện thẩm định chuyên sâu về mua sắm công đối với hàng dệt may nhằm hỗ trợ các quốc gia thực hiện Hướng dẫn của OCED về thẩm định hành vi kinh doanh có trách nhiệm và Hướng dẫn thẩm định của OECD đối với chuỗi cung ứng có trách nhiệm trong lĩnh vực may mặc và giày dép.   Dịch từ www.oecd.org  

23.05.2021
887 Lượt xem
Tin tổng hợp

Chỉ số PAPI năm 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng ‘vị thân’) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc.   Chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam) do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc khởi xướng từ năm 2009, đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Chỉ số PAPI gồm 8 chỉ số thành phần: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (3) trách nhiệm giải trình với người dân; (4) kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) thủ tục hành chính công; (6) cung ứng dịch vụ công; (7) quản trị môi trường và (8) quản trị điện tử.   Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 được công bố giữa tháng 4/2021 cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011-2016. Có 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỉ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% từ khi nghiên cứu PAPI vào năm 2011.   Chỉ tiêu kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (chỉ tiêu số 4) được cải thiện đáng kể Điều này cho thấy trong năm 2020 người dân ít gặp phải nhũng nhiễu hơn so với năm 2019 khi sử dụng một số dịch vụ công căn bản và công bằng hơn trong tuyển dụng nhân sự vào các cơ quan nhà nước. Kết quả cho thấy, có 18 tỉnh, thành tiến bộ rõ rệt so với năm 2019. Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung này. 6 tỉnh có mức điểm sụt giảm đáng kể so với năm 2019, trong đó Ninh Thuận và Ninh Bình sụt giảm nhiều nhất. Hải Phòng và TP.HCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất qua hai năm 2019 và 2020.   Chín (9) trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát sáu loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. Các tỉnh vẫn còn phổ biến 6 loại hành vi tham nhũng này gồm có Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hòa, Hải Phòng và Ninh Bình. Ở Quảng Ninh, hiện trạng ‘lót tay’ để có việc làm trong cơ quan nhà nước khá phổ biến. Còn ở Bến Tre và Đồng Tháp, hiện trạng ‘lót tay’ khi làm giấy phép xây dựng khá phổ biến.    Tình trạng “vị thân” trong tuyển nhân sự vào các cơ quan nhà nước có xu hướng giảm   So với kết quả năm 2016, kết quả 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng ‘vị thân’) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này. Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy tỉ lệ người dân được khảo sát cho rằng quan hệ cá nhân là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng” tiếp tục giảm, mặc dù tỉ lệ này vẫn chiếm trên 60%. Ở cả năm vị trí được hỏi, tỉ lệ người trả lời cho rằng để xin việc làm vào năm vị trí đó thì cần tới thân quen ở mức thấp nhất kể từ khảo sát năm 2011. Một điều cũng đáng chú ý là, sau khi tỉ lệ này tăng vào năm 2015, tỉ lệ này giảm dần đều từ năm 2016, phần nào thể hiện những nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng của nhiệm kỳ chính quyền 2016-2021. Kết quả năm 2020, Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hòa, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước phổ biến nhất.   (Nguồn: Vietnamnet)  

23.05.2021
656 Lượt xem
Tin tổng hợp

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 18/3/2021: công tác phòng chống tham nhũng nhiệm kỳ mới phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước. Điều này cũng được các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV thể hiện rõ trong các cam kết vận động tranh cử trước cử tri.   Phòng chống tham nhũng ‘không vùng cấm, không ngoại lệ’ là tuyên bố của Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII trong hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri 13 phường Quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng thuộc đơn vị bầu cử số 1. Với trách nhiệm là Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng cam kết sẽ cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung chỉ đạo, triển khai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, “đẩy mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tư tưởng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức cá nhân nào”. Từ đầu cầu tại Văn phòng T.Ư Đảng, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đã bày tỏ sự tiếc nuối do điều kiện phòng chống dịch Covid-19 nên không thể vào Đà Nẵng để trực tiếp gặp gỡ với các cử tri. Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên    Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (được giới thiệu tái ứng cử tại đơn vị bầu cử số 4 của Hà Nội) cũng cam kết đề xuất loại bỏ những quy định pháp luật có tính cục bộ, dẫn đến tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, gây thiệt hại ngân sách… Cụ thể Bà Mai hứa sẽ đề xuất sửa đổi luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm quyền lợi người dân, tránh thất thoát ngân sách. Một trong những ưu tiên nữa của ứng viên này là hoàn thiện chính sách thuế, phí, cắt bỏ khoản thu bất hợp lý, cải cách và minh bạch hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch… Bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV trình bày chương trình hành động. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN   Ứng viên Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là đại biểu đương nhiệm, tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và được phân bổ tại đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội. Ông Cường cam kết nếu trúng cử sẽ đóng góp xây dựng cơ chế giám sát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp, tích cực tham gia giám sát quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và các chương trình dự án quốc gia.   ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường. Ảnh: Trường ĐH KTQD   Cũng ứng cử tại Hà Nội, đơn vị bầu cử số 5, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, người đã có 4 khoá liên tục tham gia Quốc hội cam kết nỗ lực đóng góp vào công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp luật, khắc phục cho được tình trạng thiếu minh bạch, chồng chéo, thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn và không an tâm cho người dân và doanh nghiệp.   Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, quận Tây Hồ. Ảnh: Hà Nội Mới   Cam kết của các ứng viên đại biểu quốc hội đối với mục tiêu chống tham nhũng là tín hiệu tích cực cho một môi trường thể chế minh bạch, liêm chính, tạo thuận lợi cho người dân cũng như các doanh nghiệp.     Tin tổng hợp

22.05.2021
694 Lượt xem
Tin tổng hợp

Kể từ đầu năm 2020, Thế giới đã phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây, đó chính là sự lây lan nhanh chóng, đột ngột của đại dịch Covid 19. Các biện pháp cách ly, thực hiện giãn cách xã hội và một số hạn chế khác nhau được áp dụng chặt chẽ đã đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp, đồng thời cho thấy bức tranh kém khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á đã và đang gánh trên vai rất nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về bức tranh đại dịch gây tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới còn là điểm hạn chế.   Tại buổi hội thảo bàn tròn trực tuyến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức vào ngày 31/3 vừa qua, bên cạnh sự tham gia tích cực của các đại diện đến từ nhiều khu vực khác nhau, về phía Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI đã tham dự và có phần chia sẻ, thảo luận về một số rủi ro nhất định mà doanh nghiệp đối mặt trong thời gian dịch bệnh bùng phát.   Về phía doanh nghiệp, với áp lực đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh, khó khăn trong quản trị lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,…được xem là có tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh. Cũng theo ông Vinh, doanh nghiệp dù ở quy mô nào, lớn hay nhỏ muốn vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn cần chú trọng đặt yếu tố kinh doanh liêm chính là nền tảng cốt lõi bởi nó sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tự cường, khả năng chống chọi, thu hút khách hàng trung thành cũng như khách hàng mới và sự quan tâm của các nhà đầu tư chân chính, giữ chân và chiêu mộ nhân tài làm việc tại công ty trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay.   Thông qua hội thảo này, các nỗ lực của VCCI về thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong hơn 10 năm qua được nhấn mạnh đề cập, chia sẻ rộng rãi, đặc biệt Sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng, ngừa tham nhũng; Sáng kiến liêm chính giữa doanh nghiệp và chính phủ – GBII hiện nay đang thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).   Nhân dịp này, OECD và UNDP đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của VCCI trong thời gian qua, cụ thể Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống Tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một minh chứng rõ ràng và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với VCCI trong các hoạt động tương tự tiếp theo.

01.04.2021
905 Lượt xem
Tin tổng hợp

Diễn đàn Trực tuyến toàn cầu về chống tham nhũng và liêm chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên hợp quốc (OECD) diễn ra từ ngày 23-25/3/2021 với chủ đề chính: Lãnh đạo vượt qua khủng hoảng; Liêm chính và phòng, chống tham nhũng góp phần phục hồi mạnh mẽ.   Xoay quanh chủ đề chính này, Diễn đàn tiến hành 50 phiên thảo luận chuyên sâu về liêm chính và phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 trong các ngành, lĩnh vực cụ thể và trong các vấn đề về chính sách, hợp tác công – tư.   Tham dự Diễn đàn là các đại biểu cấp Chính phủ, đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng và thực thi pháp luật, các học giả, đại diện khu vực doanh nghiệp, tổ chức xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.    Đoàn đại biểu cấp cao của Thanh tra Chính phủ do Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì đã tham dự Diễn đàn. Đại diện Đoàn Việt Nam sẽ tham dự các phiên họp: Thực hành liêm chính: Ra mắt Bộ công cụ liêm chính công của OECD; Những rủi ro về liêm chính và tham nhũng trong suốt và sau Covid-19: Những thách thức, quan điểm và kinh nghiệm; Cuộc họp bàn tròn về liêm chính trong kinh doanh của OECD (phần 1): Các xu hướng và tiêu chuẩn về liêm chính trong kinh doanh; Các chỉ số liêm chính công của OECD – các thước đo mới cho các nhà hoạch định chính sách và thay đổi mang tính khả thi; Cuộc họp bàn tròn về liêm chính trong kinh doanh của OECD (phần 2): Thúc đẩy tính tuân thủ trên thế giới hậu Covid-19; Vai trò của cơ sở dữ liệu thông tin đối với các chính sách chống tham nhũng và đoàn kết chống tham nhũng: Hành động tập thể thông qua UNCAC.   Diễn đàn toàn cầu về chống tham nhũng và liêm chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên hợp quốc (OECD) được bắt đầu từ năm 2013 trong khuôn khổ Tuần lễ Liêm chính là một sự kiện thường niên được tổ chức tại trụ sở OECD nhằm hỗ trợ các chính phủ và tổ chức củng cố tính liêm chính, xây dựng lòng tin và chống tham nhũng.   Nguồn: thanhtra.gov.vn

26.03.2021
774 Lượt xem