Tin tức & Sự kiện

Cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động thúc đẩy kinh doanh liêm chính

Bài viết mới nhất

Ra mắt Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam
21.09.2022
243 views

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2022 – Chỉ số Kinh doanh Liêm Chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) ngày hôm nay tại Hà Nội. Đây là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp (xem bản giới thiệu tóm tắt chỉ số VBII tại đây).     Chỉ số được xây dựng dựa trên bảy yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); Quy tắc ứng xử, Kiểm soát, Truyền thông, Thực hiện (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); Tuân thủ và Chứng nhận đạt chuẩn.   VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước. Nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.   Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt. Điều này được phản ánh trong việc Chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ. Một ví dụ về xu hướng này là Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp của Liên minh Châu Âu, cũng như các luật liên quan của EU và các thành viên EU. Việc công khai thông tin ngoài việc mang tính chất quan trọng, cần phải được tin tưởng là chính xác và công bằng.     Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng, mức độ tham nhũng thấp và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Trong đó, ứng xử của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.   Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.   Tuy nhiên, thực trạng chỉ ra rằng tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6 vừa qua cho thấy ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng Chính phủ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là văn hóa hoa hồng hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.   “Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân”, Phó đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman phát biểu khai mạc. “Chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc. Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, sự liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các Cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng. Các doanh nghiệp cần phải đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, các công ty quốc tế sẽ xem sự tôn trọng của các quốc gia đối với hành vi kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và pháp quyền là những yếu tố quan trọng”.   VBII được xây dựng dưới hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở sáu quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).    “Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới”, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội cho biết. “Cùng với các đối tác Việt Nam và quốc tế, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng và thực hiện cam kết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, cải cách kinh tế hiệu quả cũng như những bước tiến trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới”.   Các chính sách về công bố, minh bạch và liêm chính của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến mức độ liêm chính của doanh nghiệp trên thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị và lợi ích của sự liêm chính trong kinh doanh. Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu cho thấy họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua và khách hàng. Đây là một lợi thế đã được chứng minh rõ ràng cho những công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.   “Phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai,” Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh. “Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện và giới thiệu ngày hôm nay chính là một bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.   VBII là một công cụ cần được duy trì và cải tiến dựa trên kinh nghiệm làm việc. UNDP cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh, cũng như hỗ trợ VCCI sử dụng và cải tiến công cụ này. Thúc đẩy minh bạch và liêm chính tiếp tục là trọng tâm của Văn kiện Chương trình Quốc gia của UNDP cho Việt Nam (2022-2026).  

Tin tổng hợp

Doanh nghiệp nên làm gì để đối phó với việc bị vòi tiền, nhũng nhiễu? Nếu có thể, hãy tố cáo những hành vi sai trái này! Trong bài viết, KDLC sẽ gợi ý một số kênh hữu ích để doanh nghiệp tố cáo tham nhũng và bảo vệ công ty của mình.     1 – Thông báo tới lãnh đạo công ty Nếu nhận thấy cán bộ nhà nước, đối tác, đồng nghiệp… có hành vi đòi và đưa hối lộ, nhân viên kinh doanh hãy thông báo ngay vụ việc tới thanh tra nội bộ và lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là những người đầu tiên có thể cùng bạn bảo vệ công ty và đẩy lùi tham nhũng.   2 –  Tố cáo tại các cơ quan công quyền Doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin về các trường hợp tham ô, hối lộ tới các cơ quan thực thi pháp luật theo hai cách sau: a. Tố cáo tại Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC). Địa chỉ của Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC, các Đại diện thường trực và Phòng Nghiệp vụ tại các khu vực như sau:   Hà Nội Số 9 Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội Điện thoại bàn: 0243.8255058, Di động: 0971751122   Yên Bái Số 566 Ngô Minh Loan, Phường Hợp Minh, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái Điện thoại bàn: 0216 385 6616, Di động: 0971831122   Đà Nẵng 23 Trần Bình Trọng, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng Điện thoại bàn: 0236 389 8738, Di động: 0971541122   Đăk Lăk 21B Mai Hắc Đế, Phường Tân Thành, TP, Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đăk Lăk Điện thoại bàn: 0262 367 3366, Di động: 0971951122   Hồ Chí Minh 199 Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TP. HCM Điện thoại bàn: 08 08 6882, Di động: 0971501122   Cần Thơ D21-8&9 Khu dân cư Long Thịnh, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ Điện thoại bàn: 0292 625 8166, Di động: 0971081122   Doanh nghiệp cũng có thể gửi tin nhắn trên trang web chính thức của Viện, hoặc viết email tới địa chỉ togiactoipham@coquandieutravkstc.gov.vn. b. Tố cáo tới Thanh tra Chính phủ bằng cách tới trụ sở cơ quan tại Lô D29, Khu đô thị mới Trần Thái Tông, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.  Doanh nghiệp cũng có thể gửi tin nhắn qua hòm thư trực tuyến tại đây, gọi điện thoại tới số 08044430 hoặc gửi email tới ttcp@thanhtra.gov.vn,   3 – Một số kênh tố cáo tham nhũng khác a. Các đại biểu quốc hội tại địa phương b. Các cơ quan thông tấn – báo chí.   4 – Doanh nghiệp vẫn không chắc chắn về cách thức tố cáo hoặc có tố cáo hay không? Doanh nghiệp có thể liên hệ với KDLC và chúng tôi sẽ sẵn lòng tư vấn miễn phí. Hãy gửi email cho KDLC theo địa chỉ reporter@kdlc.vn, hoặc liên hệ với chúng tôi thông qua biểu mẫuhoặc bình luận ẩn danh cuối mỗi bài viết. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên dựa trên từng trường hợp cụ thể, hỗ trợ bạn giải quyết những khó khăn để đảm bảo kinh doanh minh bạch.  

20.11.2018
527 Lượt xem
Tin tổng hợp

Chiều ngày 13/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt 435 triệu đồng cho hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường   Cụ thể, công ty Tiến Đạt bị phạt 290 triệu đồng vì đã xả nước thải thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường và phạt tăng nặng 50% cho hành vi tái phạm, coi thường pháp luật. Đồng thời, công ty Tiến Đạt đã bị đình chỉ hoạt động 3 tháng và buộc phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật.   Công ty Cổ phần Tiến Đạt đầu tư nuôi tôm từ năm 2015 tại xã Thịnh Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) trên diện tích mặt nước hơn 10ha, nằm sát biển. Trong quá trình hoạt động, hồ nuôi tôm của công ty Tiến Đạt không xử lý nước thải đúng quy trình mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Môi trường biển tại địa phương đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, đồng thời dẫn đến tổn thất về mặt tiền bạc và danh tiếng của công ty.   Trên thực tế, bảo vệ môi trường là một phần quan trọng trong thực tiễn kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 155/2016 / NĐ-CP, trong đó quy định những hình phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp có thể tham khảo về Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải trên trang web của Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) và Nghị định 155/2016 / NĐ-CP tại Cổng Thông tin Chính phủ. Hãy xem xét kỹ hơn Điều 13, đề cập đến việc vi phạm các quy định xử lý nước thải.   Nếu doanh nghiệp của bạn muốn không bị xử phạt đồng thời giữ được danh tiếng tốt trên thị trường thì bạn nên xem xét đến tác động môi trường cũng như các mục tiêu đạo đức khác trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Một bộ Quy tắc ứng xử tốt sẽ giúp bạn xác định các giá trị đạo đức của doanh nghiệp và quản lý nhân viên hành xử có trách nhiệm hơn. Hãy truy cập trang web của chúng tôi để biết Quy tắc ứng xử là gì. Hãy xem một ví dụ về Quy tắc ứng xử tại đây.    

08.11.2018
467 Lượt xem
Tin tổng hợp

Xung quanh chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp đang tích cực đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng. Trong bài báo này, KDLC sẽ giới thiệu về một công ty tại Long An đã thành công trong việc từ chối đưa hối lộ và bắt cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp đối diện với pháp luật nghiêm minh   A là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại và vận tải, hoạt động tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 2015, Nguyễn Trọng Tính, cán bộ Chi cục Thuế huyện Bến Lức đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra công ty A về việc chấp hành luật Thuế giá trị gia tăng và luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại đây, Tính tuyên bố doanh nghiệp A có sai phạm và phải đóng bổ sung hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tính không giải thích được cho doanh nghiệp về một số điểm chưa rõ ràng trong khoản phạt này.   Đáng chú ý, Tính còn đề nghị chủ doanh nghiệp A đưa cho mình 200 triệu đồng để được giảm khoản tiền phạt xuống còn 600 triệu đồng. Nhận thấy Tiến có dấu hiệu tống tiền, chủ doanh nghiệp đã ghi âm lại cuộc ‘thương thảo’ trên. Chủ doanh nghiệp cũng đã tố cáo hành vi sai trái  của Tính cho công an địa phương.   Kết quả, Tính đã bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ từ gia đình chủ doanh nghiệp A. Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện Bến Lức đã quyết định khởi tố vụ án và bắt giữ bị can Nguyễn Trọng Tính trong 3 tháng để điều tra về hành vi nhận hối lộ.   Tấm gương của doanh nghiệp A đã cho thấy các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bảo vệ công ty của mình khỏi nạn tham nhũng bằng cách từ chối đưa hối lộ, phối hợp với chính quyền địa phương và sử dụng thiết bị công nghệ để thu thập bằng chứng nhằm trừng trị các cá nhân tham nhũng.   Ngoài ra doanh nghiệp có thể sử dụng rất nhiều cách khác để tố cáo các hành vi tham ô, hối lộ. Hãy tham khảo thêm ở phần Lời khuyên và Hướng dẫn của KDLC.  

08.11.2018
496 Lượt xem