Tin tức & Sự kiện

Cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động thúc đẩy kinh doanh liêm chính

Bài viết mới nhất

Ra mắt Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam
21.09.2022
243 views

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2022 – Chỉ số Kinh doanh Liêm Chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) ngày hôm nay tại Hà Nội. Đây là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp (xem bản giới thiệu tóm tắt chỉ số VBII tại đây).     Chỉ số được xây dựng dựa trên bảy yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); Quy tắc ứng xử, Kiểm soát, Truyền thông, Thực hiện (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); Tuân thủ và Chứng nhận đạt chuẩn.   VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước. Nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.   Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt. Điều này được phản ánh trong việc Chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ. Một ví dụ về xu hướng này là Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp của Liên minh Châu Âu, cũng như các luật liên quan của EU và các thành viên EU. Việc công khai thông tin ngoài việc mang tính chất quan trọng, cần phải được tin tưởng là chính xác và công bằng.     Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng, mức độ tham nhũng thấp và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Trong đó, ứng xử của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.   Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.   Tuy nhiên, thực trạng chỉ ra rằng tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6 vừa qua cho thấy ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng Chính phủ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là văn hóa hoa hồng hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.   “Chỉ số Kinh doanh Liêm chính Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân”, Phó đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman phát biểu khai mạc. “Chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc. Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, sự liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các Cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng. Các doanh nghiệp cần phải đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, các công ty quốc tế sẽ xem sự tôn trọng của các quốc gia đối với hành vi kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và pháp quyền là những yếu tố quan trọng”.   VBII được xây dựng dưới hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở sáu quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).    “Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới”, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội cho biết. “Cùng với các đối tác Việt Nam và quốc tế, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng và thực hiện cam kết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng, cải cách kinh tế hiệu quả cũng như những bước tiến trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới”.   Các chính sách về công bố, minh bạch và liêm chính của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến mức độ liêm chính của doanh nghiệp trên thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị và lợi ích của sự liêm chính trong kinh doanh. Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu cho thấy họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua và khách hàng. Đây là một lợi thế đã được chứng minh rõ ràng cho những công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.   “Phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai,” Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh. “Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện và giới thiệu ngày hôm nay chính là một bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.   VBII là một công cụ cần được duy trì và cải tiến dựa trên kinh nghiệm làm việc. UNDP cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh, cũng như hỗ trợ VCCI sử dụng và cải tiến công cụ này. Thúc đẩy minh bạch và liêm chính tiếp tục là trọng tâm của Văn kiện Chương trình Quốc gia của UNDP cho Việt Nam (2022-2026).  

Tin dự án

Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức. Hà Nội, ngày 13/11/2019 – Tại Việt Nam, 11 Hiệp hội Doanh nghiệp đã chính thức ký Bản cam kết kinh doanh liêm chính nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của Doanh nghiệp (xem bản Cam kết Kinh doanh liêm chính bằng tiếng Việt chi tiết tại đây và bản Cam kết Kinh doanh liêm chính bằng tiếng Anh/The Vietnma Business Integrity Pledge by clicking tại đây)     Sự kiện được công bố tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức. “Buổi hội thảo ngày hôm nay ghi nhận sự cam kết của 11 doanh nghiệp trong việc thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam,” Ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, đại diện cơ quan tài trợ nhấn mạnh. “Chúng tôi chúng mừng các doanh nghiệp này đã và đang tiên phong trên con đường củng cố sự thành công của Việt Nam trong tương lai thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, và hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp khác sẽ xem đây là hình mẫu để áp dụng theo”. Đây là kết quả của cuộc vận động quy mô nhỏ do VCCI thực hiện kêu gọi một số Hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia ký kết “Bản cam kết kinh doanh liêm chính”. Bản cam kết này có mục đích đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp, hướng tới cùng hợp tác hành động nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính. “Sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh,” phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. “Do vậy sau sự kiện ngày hôm nay, các Hiệp hội doanh nghiệp được mong đợi sẽ là đơn vị cộng tác tích cực và triển khai mạnh mẽ phong trào thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các doanh nghiệp ngành do mình đại diện, cùng hành động tập thể tạo nên tấm lá chắn vững chắc nhằm giảm thiểu, ngăn chặn các rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh”. Đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam qua việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu: “Thay đổi cần thời gian, vì vậy chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện Cam kết, đảm bảo Cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam.” Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại diện từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đây là một trong các hoạt động trọng tâm của “Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ” (GBII) do VCCI thực hiện trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của UNDP. Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và khu vực tư, tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm.

13.11.2019
458 Lượt xem
Tin dự án

Kết quả nghiên cứu thu được từ 239 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát và 40 doanh nghiệp tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu đã cho thấy một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử, cụ thể có nhiều doanh nghiệp cho rằng kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp.   Các vấn đề tuân thủ, chẳng hạn như trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, có hai vấn đề quan trọng cần xem xét bao gồm (i) một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số các quy định; (ii) việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam. Để giải thích hay biện minh cho việc này, các doanh nghiệp đã đưa ra một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định hoặc do các quy định pháp luật có sự chồng chéo/mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên trong khi bản thân doanh nghiệp lại thiếu nhân lực chuyên trách để cập nhật, theo dõi sự thay đổi đó. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn.   Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25% – 30% trong trong các giao dịch kinh doanh. Một phần ba số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát và điều này được cho rằng là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh. Đối với hoạt động mua sắm, các thực tiễn chưa tốt như “đặt hàng không theo nhu cầu”, “đặt hàng không đúng chất lượng”, “hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan” chiếm khoảng 10%.   Tương tự, trong hoạt động bán hàng, 11% – 16% doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương đương 24%-34% doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát) đã nhận ra các bất thường này một cách rõ ràng như “lập hóa đơn sai”, “Bán hàng không theo đúng chính sách của doanh nghiệp”, giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng”. Đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự có khoảng 27% đến 38% người trả lời cho biết họ có biết các hoạt động như “thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động”, “Chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng” và “tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực”.   Để tìm hiểu thêm về kết quả nghiên cứu, vui lòng xem bản báo cáo tiếng Việt và báo cáo tiếng Anh tại đường dẫn: https://drive.google.com/open?id=1C9wYQjjviRowLRLwhULCxpzsxVoyCCj5   Nguồn: Tin dự án

07.10.2019
596 Lượt xem
Tin dự án

Hà Nội, ngày 27/8/2019. Hội thảo tham vấn nhằm hoàn thiện dự thảo “Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) đồng tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các khối nhà nước, doanh nghiệp(DN) và các tổ chức xã hội. Đây là một hoạt động nằm trong Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ – GBII do VCCI thực hiện, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của UNDP, được Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ.  (Ảnh toàn cảnh Hội thảo) Cơ chế kiểm soát nội bộ (IC) và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh(CoC) là hai giải pháp hiệu quả nhất hiện nay nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực quản trị – quản lý hướng tới minh bạch và hiệu quả, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư và cổ đông và nâng cao uy tín, hình ảnh công ty. Phát biểu tại Hội nghị, tiến sỹ Vũ Thị Phương Liên, Chuyên gia tư vấn, Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập (TDI) nhấn mạnh: “Đây là hai bộ phận giúp DN hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược và các giá trị cốt lõi, đồng thời thể hiện sự cam kết này bằng văn bản. Nội dung (trong dự thảo cẩm nang – pv) đã được đơn giản hoá để các DN vừa và nhỏ có thể thực hiện theo dễ dàng.” (Ảnh: Các đại biểu tích cực nghiên cứu dự thảo cẩm nang) Dự thảo Cẩm nang đã được các DN đón nhận nồng nhiệt. Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Công ty MCT Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, các DN vừa và nhỏ thường không có bộ quy tắc ứng xử và quy chuẩn kiểm soát, vì vậy chúng tôi chỉ tự phát, tự kiểm soát nhau. Cẩm nang này có thể áp dụng với DN của tôi và tôi sẽ cố gắng thực hiện.” Anh Đinh Văn Đức, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Khoáng sản Luyện kim Việt Nam cho rằng: “Nội dung đã được chia sẻ phù hợp và cần thiết đối với DN của tôi”. DN có thể tải Dự thảo Cẩm nang tại đây. Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các DN. Một số DN cho rằng dự án cần đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, đào tạo cho các DN, cũng như DN cần có thêm thời gian nghiên cứu để áp dụng thành công IC và CoC. “Để hình thành phương pháp mới, cần thêm thời gian vì nhiều DN đang ở lối mòn cũ”, Chị Minh Tâm góp ý. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo DN, bà Đinh Thị Bích Xuân, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì Sự phát triển bền vững, VCCI cho biết, trong giai đoạn 2019 – 2020, dự án sẽ thiết kế nhiều hoạt động đa dạng để hỗ trợ các DN thực hiện cơ chế IC và CoC như: Hoàn thiện cẩm nang và chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, đào tạo mạng lưới chuyên gia nguồn, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn IC và CoC cho 2 công ty tại Hà Nội, ký cam kết kinh doanh liêm chính. Các DN có thể đọc thêm và đăng ký tham gia các hoạt động tại đây.

27.08.2019
374 Lượt xem
Tin dự án, Tin dự án

Hội thảo do VCCI và UNDP Việt Nam chủ trì, trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai với sự tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh. Hội thảo Tham vấn “Cẩm nang hướng dẫn Doanh nghiệp áp dụng Cơ chế Kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh” *Thời gian: 8:30 – 13:00 Thứ Ba, ngày 27 tháng 8 năm 2019 *Địa điểm: Hội trường tầng 2, Khách sạn ADONIS, Số 55 Quang Trung, P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các khách mời, đại diện đến từ khối doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và các chuyên gia. Tại hội thảo, Quý cơ quan/ doanh nghiệp sẽ được cung cấp kiến thức và tài liệu tham khảo hữu ích về cách xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và quản trị hiệu quả. Đồng thời, Quý cơ quan/ doanh nghiệp cũng sẽ được thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện cẩm nang hướng dẫn, từ đó thể hiện trách nhiệm với công tác phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Chương trình chi tiết xin xem tại đây. Ban Tổ chức rất mong đợi sự tham gia của Quý cơ quan/ doanh nghiệp. Để xác nhận tham dự Hội thảo, Quý cơ quan/doanh nghiệp hãy gửi thông tin qua email: tienlt@vcci.com.vn hoặc liên hệ với Lê Thủy Tiên, Tel: 04-35743492 (máy lẻ 103),Mobile: 0969197991. BTC sẽ gửi tài liệu qua email ngay khi Quý Cơ quan/doanh nghiệp gửi thông tin xác nhận tham dự.

26.08.2019
481 Lượt xem
Tin dự án

Chỉ 50%-60% doanh nghiệp hiểu biết rõ ràng về vai trò quan trọng của kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.  Ngày 5/3/2019 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố kết quả khảo sát tại Hội thảo tham vấn ý kiến các bên liên quan nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Các phát hiện chính và một số khuyến nghị”. Báo cáo này do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VCCI) và Công ty TNHH Tư vấn Hội nhập và Phát triển thực hiện cùng các chuyên gia uy tín của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính và các thành viên thuộc Diễn đàn các nhà lãnh đạo Quốc tế – IBLF Global (UK). Hội thảo lần này là một trong những hoạt động trọng tâm của sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ- GBII thuộc Đề án 12 được tài trợ thông qua dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh Công bằng ở ASEAN” do UNDP triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Qũy Thịnh vượng Vương quốc Anh. Hội thảo được tổ chức vào thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2019 và mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Sự kiện đã thu hút sự tham dự  của 153 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan chính phủ, các đại sứ quán, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí đến từ Hà Nội và khu vực lân cận. Một trong những kết quả nghiên cứu của báo cáo cho thấy chỉ 50%-60% doanh nghiệp hiểu biết rõ ràng về vai trò quan trọng của kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, khi cơ chế kiểm soát nội bộ và tuân thủ không được áp dụng đầy đủ tại doanh nghiệp thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng đầu tư và thương mại toàn cầu. Đồng tình với quan điểm này, Bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam khắng định tầm quan trọng của bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong việc thúc đẩy liêm chính trong doanh nghiệp. Bà cũng cho biết UNDP sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ. Thêm vào đó, VCCI sẽ cung cấp các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho doanh nghiệp. Đại diện cơ quan tài trợ, Ngài Gareth Warth, Đại sứ Anh tại Việt Nam nhấn mạnh rằng thúc đẩy môi trường kinh doanh tập trung vào liêm chính luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vương Quốc Anh. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết mối quan hệ cá nhân và việc sử dụng chi phí không chính thức được “ngụy trang” dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm từ 25-30% trong các giao dịch kinh doanh. Ngoài ra,  những bất thường trong quản lý nhân sự, thiếu nhân lực chuyên môn hay việc tuyển dụng dựa phần lớn vào quan hệ tạo ra những thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật. Báo cáo nghiên cứu đã phản ánh những mặt hạn chế thậm chí là không hiệu quả trong quản lý nói chung. Hầu hết các vụ việc sai phạm xảy ra là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ và sự tuân thủ bộ quy tắc ứng xử còn yếu kém và thiếu minh bạch. Những khuyến nghị được đưa ra định hướng doanh nghiệp tới các giá trị cốt lõi như tinh thần liêm chính, minh bạch nhằm xây dựng một chiến lược kinh doanh dài hạn với hệ thống quản trị phù hợp và nhất quán. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải tăng cường trách nhiệm giải trình và thực thi pháp luật. Các tập đoàn đa quốc gia cũng cần tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt  và lan tỏa ý nghĩa cũng như lợi ích của dự án liêm chính tới các doanh nghiệp địa phương. Để có thể triển khai một chương trình liêm chính doanh nghiệp hiệu quả, sự hợp tác và đồng hành của các bên liên quan bao gồm từ phía cơ quan Chính phủ, cán bộ nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp các tổ chức xã hội là rất cần thiết. Theo tin hoạt động dự án.  

05.03.2019
569 Lượt xem
Tin dự án

Cuộc thi sáng tác nghệ thuật ‘Vì một tương lai Việt Nam Minh bạch và Liêm chính’ do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) phát động với mục đích thu hút sự quan tâm và khuyến khích tính sáng tạo của thanh niên về chủ đề minh bạch, liêm chính và phòng chống tham nhũng. KDLC hân hạnh chia sẻ một số tác phẩm hay trong vòng sơ loại cuộc thi.   1 – Bài dự thi ‘Vườn ươm Liêm Chính’ của bạn Nguyễn Thanh Phước, sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh     2 – Bài dự thi của bạn Lê Hà Anh Thy với những nét vẽ hoạt hoạ sinh động cùng thông điệp: ‘Sử dụng tiền hợp pháp và trách nhiệm vì một tương lai Việt Nam minh bạch và liêm chính’     3 – Tác phẩm thơ ‘Liêm Chính & Tham Nhũng’ của bạn Vương Hưng Út (Xem trọn vẹn bài thơ tại đây)     4 – Thơ: Tham Nhũng và cuộc trò chuyện với Liêm Chính của bạn Lương Thị Ngọc Chi (Xem trọn vẹn bài thơ tại đây)     5 – Bài thơ: ‘Tham Nhũng và bài học về Liêm Chính’ của bạn Bùi Thị Hoa (Xem trọn vẹn bài thơ tại đây)     6 – Tác phẩm về tham nhũng Dự án xây cầu của bạn Võ Thị Cẩm Nhung   7 – Bài thơ ‘Vườn ươm Liêm chính’ của bạn Trần Phương An (xem trọn vẹn bài thơ tại đây)   8 – Bài thơ ‘Quý ngài Việt Nam’ của bạn Lâm Anh Tuấn(Xem trọn vẹn bài thơ tại đây)

20.11.2018
672 Lượt xem