Bộ công cụ

Hướng dẫn  doanh nghiệp tiếp cận cách thức phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh

Làm thế nào để nhận biết được tham nhũng?

Trả lời câu hỏi này sẽ rất khó khi phải đối diện với những tình huống không rõ ràng, khi khó phân định giữa hợp pháp hay bất hợp pháp, đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Dưới đây là một số tình huống không rõ ràng:

  • Quà tặng hoặc chiêu đãi: Theo quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới thì nếu quà tặng hay chiêu đãi có tác động đến quyết định kinh tế thì có dấu hiệu tham nhũng.
  • Phí “bôi trơn”/chi phí không chính thức: Phí “bôi trơn” hay ở Việt Nam thường được dùng với từ “chi phí không chính thức” được xem là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia nhưng ở một số nước khác lại được coi là hợp pháp. Điều đó tùy tình huống, ví dụ: Nếu bạn phải trả thêm tiền để được khám bệnh dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thì hành động của bạn hoàn toàn hợp pháp. Nhưng nếu bạn ngấm ngầm trả thêm tiền cho bác sỹ để được hưởng dịch vụ tốt hơn người khác (được khám nhanh hơn, được hưởng dịch vụ tốt hơn), thì hành vi của bạn có thể trở thành hành vi đưa hối lộ.
  • Xung đột lợi ích: Trong khi các công ty đa quốc gia rất cẩn trọng trong việc sử dụng các mối quan hệ họ hàng, thân thích thì các doanh nghiệp nhỏ lại thường dựa vào quan hệ hôn nhân, huyết thống để giải quyết các công việc của công ty. Xung đột xảy ra khi các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng, hợp tác với các công ty lớn họ sẽ phải tuân thủ những quy định kinh doanh liêm chính, chống rủi ro tham nhũng.

Từ đó có thể rút ra cách thức để nhận biết được dấu hiệu của hành vi tham nhũng trong hoạt động kinh doanh bằng cách trả lời 02 câu hỏi sau:

  1. Bạn có muốn thực hiện hành vi đó một cách công khai trước tất cả mọi người trong doanh nghiệp không?
  2. Bạn có thấy vui khi những thông tin về hành vi đó được phát giác và công khai không?
Hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật Việt Nam
  • Đề nghị, chào mời, đưa tiền hoặc đưa một lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất) cho quan chức nhà nước, công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công: hành động này nhằm dành được sự ưu tiên, thuận lợi trong các giao dịch hoặc để giải quyết các khó khăn, trở ngại một cách không chính đáng.
  • Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp chiếm đoạt tiền, tài sản của
    doanh nghiệp nơi mình làm việc (hành vi tham ô): Đây thường là những người quản lý, có chức trách, thẩm quyền trong doanh nghiệp thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, tài sản của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích cá nhân.
  • Đòi hỏi, nhận tiền hoặc một lợi ích bất kỳ từ đối tác hoặc nhân viên dưới quyền trong doanh nghiệp: Người giữ cương vị quản lý trong doanh nghiệp đòi hỏi, nhận tiền hoặc một lợi ích bất kỳ từ nhân viên dưới quyền hoặc từ đối tác để trục lợi cho bản thân và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.