Tin tức & Sự kiện

Cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động thúc đẩy kinh doanh liêm chính

Bài viết mới nhất

Cẩm nang về kinh doanh liêm chính dành cho doanh nhân trẻ
20.01.2022
764 views

Trong những năm gần đây, vấn đề liêm chính trong kinh doanh đã được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự khu vực công và tư. Với các vụ bê bối của chính phủ và doanh nghiệp xảy ra ở khắp nơi, không có gì ngạc nhiên khi công chúng đang đưa vấn đề này trở lại. Nạn tham nhũng và gian lận khiến công quỹ bị sử dụng sai mục đích, không đúng với đối tượng được hỗ trợ. Thực tế là các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), là một loạt các chỉ tiêu được chính phủ các quốc gia và xã hội công nhận rộng rãi nhằm đạt được vào năm 2030, sẽ khó có thể hiện thực hóa nếu không đạt được SDG 16.5 – về “giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức”. Một ưu tiên quan trọng khác của các SDG là việc làm cho thanh niên và đặc biệt là việc làm thỏa đáng cho thanh niên, theo đó phụ nữ và nam giới trẻ được tiếp cận với việc làm hiệu quả, thỏa đáng, mọi người đều hưởng lợi và tương lai của chúng ta sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Để đạt được điều này, điều quan trọng đối với các doanh nhân trẻ khi thành lập doanh nghiệp lần đầu là cần tạo dựng sự khởi đầu đúng đắn. Cuốn cẩm nang liêm chính trong kinh doanh là kết quả của nỗ lực chung to lớn và được xem là một phần trong chương trình đào tạo do UNDP tổ chức cho Dự án Youth Co:Lab, cộng đồng các doanh nhân xã hội của chúng tôi ở các nước ASEAN, Cẩm nang là một ví dụ về “hành động tập thể” – một khái niệm trong cuộc chiến chống tham nhũng mà bạn có thể đọc thêm trong Cẩm nang và xem tại đây.

Tin dự án

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2021 – 15 hiệp hội doanh nghiệp đã ký vào Bản cam kết kinh doanh liêm chính để thể hiện cam kết về sự tuân thủ, tính liêm chính và minh bạch của doanh nghiệp.   Điều này đã được đề cập tại Diễn đàn kinh doanh trực tuyến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức tại Hà Nội hôm nay.   Diễn đàn – “Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền” – quy tụ gần 130 đại diện từ các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các học viện và cơ quan báo chí.   Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp và 32% tổng số người quản lý doanh nghiệp là phụ nữ. Thành viên thứ 15 tham gia Cam kết kinh doanh liêm chính là Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam.   “Tôi tin rằng một môi trường kinh doanh hiệu quả, bắt nguồn từ việc quản trị minh bạch, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các khoản đầu tư song phương và quan hệ đối tác thương mại lâu dài giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Vương quốc Anh đánh giá cao việc kết hợp các nguyên tắc đạo đức và liêm chính vào quản trị công ty bởi nó từ lâu đã không chỉ dừng lại ở vấn đề về xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Sự kết hợp này hình thành một giá trị rộng lớn và bền vững hơn không chỉ về mặt lợi nhuận mà còn về việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội.” Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam đã phát biểu tại Diễn đàn.     Nhân dịp này, Tổ cố vấn chuyên môn của Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam – VBIN đã ra mắt lần đầu tiên. VBIN là sáng kiến hành động tập thể đầu tiên được định hướng bởi doanh nghiệp và do doanh nghiệp dẫn đầu nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính và tuân thủ để phòng, chống tham nhũng. Sứ mệnh của VBIN là huy động các nỗ lực tập thể của cộng đồng doanh nghiệp với mục đích tuân thủ các quy tắc và quy định liên quan đến kinh doanh liêm chính và xây dựng các thực tiễn kinh doanh liêm chính tốt, từ đó nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. 15 đơn vị bao gồm cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp, cùng 5 chuyên gia đã đăng ký tham gia Tổ cố vấn chuyên môn của VBIN.   “Mặc dù đã ghi nhận những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020 cho biết đã trả các khoản phí không chính thức,” Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh. “Việc tiếp tục nâng cao tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế – xã hội sau covid”.   Ông Haverman nhấn mạnh các yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế thành công, đó là: kinh doanh liêm chính phải là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Các công ty cam kết liêm chính, minh bạch và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và sẽ đạt được thành công lâu dài; và Hành động tập thể là cần thiết để xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.   Những thành tựu và thông lệ tốt được chia sẻ tại Diễn đàn là kết quả của 3 năm hợp tác giữa VCCI, UNDP và Chính phủ Vương quốc Anh trong khuôn khổ Dự án Khu vực của UNDP về “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng trong khu vực ASEAN” – Fair Biz – do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ trong phạm vi Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN. Hơn 800 doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã được nâng cao kiến ​​thức và kỹ năng để áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp của họ. 4 công ty đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng và hoàn thiện các quy tắc ứng xử hoặc cơ chế kiểm soát nội bộ.   “COVID-19 là một phép thử cho tính liêm chính của doanh nghiệp.” Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh. “Một điều mà các công ty có thể làm để bảo vệ chính mình là lấy chương trình nghị sự liêm chính làm trọng tâm khi đối diện với những thách thức. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tích cực tham gia các sáng kiến tập thể như Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam, nhằm cho phép các doanh nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác cùng nhau để tăng cường quản trị công ty tốt hướng tới sự bền vững lâu dài ”.   Diễn đàn là một trong những hoạt động chính của Sáng kiến Liêm chính giữa Chính phủ và Doanh nghiệp (GBII) do VCCI và UNDP thực hiện tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án Fair Biz. Dự án này nhằm hỗ trợ tăng cường tính liêm chính và minh bạch của doanh nghiệp, cải thiện pháp luật và chính sách trong phòng chống tham nhũng và tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả ở Việt Nam.  

28.09.2021
665 Lượt xem
Tin dự án, Tin tổng hợp

Tiếp nối thành công của hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề ánMạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam (VBIN) là một sáng kiến định hướng bởi doanh nghiệp với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh. Vào sáng 10/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức cuộc họp khởi động Tổ Cố vấn chuyên môn thành lập VBIN nhằm giới thiệu các thành viên chủ chốt của Tổ Cố vấn VBIN, thảo luận về kế hoạch hoạt động 6 tháng tới và đồng thời khẳng định sự sẵn sàng hỗ trợ phát triển mạng lưới này.   Tại cuộc họp, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục Trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng đã có bài phát biểu  ủng hộ mạnh mẽ cho mục tiêu của VBIN. Ông cũng nhấn mạnh rằng mạng lưới VBIN là rất cần thiết và quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, đại diện Thanh tra Chính phủ bày tỏ sẽ đồng hành cùng sáng kiến về việc tư vấn đầy đủ các chủ trương, chính sách, luật pháp của nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường thực hiện liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, ông Thomas, Giám đốc điều hành Mạng lưới Trách Nhiệm Xã hội Đông Nam Á (ASEAN CSR Network) đánh giá cao mạng lưới VBIN và đưa ra quan điểm liêm chính là giải pháp trọng tâm trong chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp duy trì tính tự cường, hướng tới sự bền vững lâu dài và đặc biệt nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu khó khăn của thị trường trước bối cảnh đại dịch Covid. Khi doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu sẽ góp phần nâng cao uy tín với khách hàng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.   Ngoài ra, ông Lê Duy Bình, Giám đốc ECONOMICA, tư vấn kỹ thuật cho Đề án VBIN đề cập về xây dựng bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp liêm chính nhằm xếp hạng doanh nghiệp theo tiêu chí về mức độ thực hành liêm chính trong kinh doanh. Trong giai đoạn đầu, bộ tiêu chí cần được thiết kế phù hợp với nhóm công ty đại chúng sau đó sẽ mở rộng phạm vi tới nhiều quy mô doanh nghiệp khác nhau. Từ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng các bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp,  Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) nêu rõ cách thức huy động hiệu quả  cộng đồng doanh nghiệp tham gia bộ chỉ số này gắn liền với nâng cao nhận thức về văn hóa kinh doanh liêm chính. Chính vì vậy, mạng lưới VBIN được kỳ vọng có thể kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và truyền thông kêu gọi nỗ lực tập thể cùng hành động cải thiện môi trường kinh doanh công bằng thông qua tăng cường tính liêm chính, minh bạch thông tin và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.   Cuộc họp quy tụ gần 30 thành viên cam kết tham gia Tổ Cố vấn chuyên môn VBIN đến từ khối doanh nghiệp đại chúng, các công ty kiểm toán Big4, công ty Luật, các tổ chức quốc tế, đại diện nhà tài trợ, các giảng viên, chuyên gia nước ngoài giàu chuyên môn. Thông qua cuộc họp, các thành viên Tổ Cố vấn đã tích cực trao đổi và chia sẻ mong muốn khi tham gia vào mạng lưới VBIN  để mở ra các cơ hội hợp tác mới và phối hợp nguồn lực giữa từng thành viên. Các đề xuất của Tổ Cố vấn đã cung cấp cơ sở nền tảng cho các bước công việc tiếp theo thúc đâỷ sự phát triển của VBIN như thành lập ba nhóm công tác gồm: Nhóm phụ trách đào tạo; Bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp liêm chính; Truyền thông vận động; Đề xuất nội dung các sản phẩm dịch vụ ưu tiên…

10.09.2021
655 Lượt xem
Tin dự án

Ngày 8/7/2021 vừa qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) đã trở thành thành viên thứ 15 tham gia ký cam kết kinh doanh liêm chính và bày tỏ ủng hộ mục tiêu của Mạng lưới Doanh nghiệp kinh doanh liêm chính Việt Nam – VBIN, một sáng kiến do VCCI khởi xướng và là một hợp phần nằm trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ, Chương trình cải cách thương mại Khu vực Đông Nam Á.                                Các đại diện VCCI, UNDP, VAWE và các diễn giả tham dự sự kiện.   Để chính thức ra mắt với tư cách là thành viên thứ 15 của Mạng lưới, VAWE phối hợp cùng với VCCI, UNDP, Đại Sứ quán Vương quốc Anh và VCCI đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Quản trị minh bạch – Nền tảng của kinh doanh liêm chính” vào ngày 26/8/2021. Hội thảo là nơi nữ doanh nhân được chia sẻ về những nguyên tắc cơ bản trong quản trị minh bạch thông qua quản trị công ty và quản trị tài chính, từ đó giúp nữ doanh nhân xem xét những việc mình đang làm trong quản trị công ty, hướng tới hệ thống quản trị bền vững.   Ngoài các đại biểu trong Ban Tổ chức, Hội thảo trực tuyến đã có sự tham gia của hơn 160 đại biểu là uỷ viên Ban Chấp hành VAWE,  các nữ doanh nhân,  trưởng các bộ phận quản trị, tài chính, nhân sự của doanh nghiệp hội viên VAWE và Hội Nữ doanh nhân 28 tỉnh thành. Sự tham gia của đông đảo nữ doanh nhân cả nước ngay trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch covid-19, là minh chứng Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp do nữ làm chủ vào việc xây dựng công ty theo các chuẩn mực của doanh nghiệp kinh doanh liêm chính, hướng tới sự phát triển bền vững hiện tại và trong tương lai.  

26.08.2021
444 Lượt xem
Tin dự án

Kế thừa từ sự thành công của các chương trình thực hiện gần đây về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng sáng kiến Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh Liêm chính Việt Nam (VBIN) nhằm huy động sức mạnh tập thể tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, tăng cường cơ chế hợp tác trong việc đảm bảo tính liêm chính trong kinh doanh và công bố thông tin minh bạch.   Vào sáng 29/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến hoàn thiện đề xuất dự thảo Đề án VBIN với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh.   Tại cuộc họp, ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận Chính trị, Trưởng bộ phận chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội – đại diện nhà tài trợ đã có bài phát biểu  và đánh giá cao sáng kiến VBIN. Tại cuộc họp, ông cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu sẽ góp phần nâng cao uy tín với các nhà đầu tư, người mua hàng, khách hàng đặc biệt trong quá trình thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.   Hội thảo đã cung cấp những thông tin ban đầu giúp doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ cốt lõi và nguyên tắc hoạt động của VBIN, từ đó khẳng định sự cam kết tham gia vào VBIN để nhân rộng mô hình kinh doanh có trách nhiệm và lan tỏa những thực tiễn tốt. Thông qua kết quả khảo sát tại cuộc họp, hơn 70% đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ và sẵn sàng trở thành thành viên chủ chốt của mạng lưới này. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nhận thức được sự cần thiết của quản trị doanh nghiệp hiệu quả theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay hướng tới phát triển bền vững hơn. Đồng thời, các ý kiến đóng góp và trao đổi kinh nghiệm của các đại biểu và diễn giả sẽ là cơ sở nền tảng để nhóm dự án triển khai các công việc tiếp theo thúc đẩy thành lập VBIN như kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan, thành lập tổ công tác điều hành, cung cấp dịch vụ tư vấn, tìm kiếm nhà tài trợ, nguồn lực tiềm năng, thiết kế bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp có thông lệ tốt về liêm chính…   Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và nhận được các ý kiến thảo luận sôi nổi của gần 70 đại diện đến từ khối doanh nghiệp đại chúng, các công ty kiểm toán Big4, công ty Luật,  phía cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia giàu chuyên môn trong lĩnh vực quản trị công ty. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của UNDP nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các quy định của pháp luật về kinh doanh liêm chính, công bố thông tin và trách nhiệm xã hội.

06.07.2021
782 Lượt xem
Tin dự án

Là một doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bền vững, Traphaco đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu “bền vững” trong nguyên liệu, sản xuất và hiện nay là “bền vững” trong quản trị doanh nghiệp minh bạch và kinh doanh liêm chính. Đây là cơ sở để Traphaco củng cố, tạo sự khác biệt, phát triển mạnh mẽ thương hiệu “xanh”, tạo dựng lòng tin đối với khách hàng, các cổ đông và thu hút các nhà đầu tư. Trong bối cảnh nền kinh tế chao đảo bởi đại dịch Covid 19, phát triển bền vững càng là một xu hướng tất yếu và Traphaco đã đúng đắn khi lựa chọn con đường này.         Với sự hỗ trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh, trong khuôn khổ Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ – GBII do VCCI thực hiện là một hợp phần của Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh công bằng tại ASEAN” của UNDP, VCCI cùng UNDP đã và đang triển khai hàng loạt các hoạt động đào tạo, tư vấn và nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh liêm chính cho các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Traphaco. Ảnh chụp buổi làm việc tại Traphaco về nội dung tư vấn kỹ thuật   Thông qua cung cấp gói hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ cho Traphaco, VCCI và UNDP đã chỉ định công ty tư vấn Deloitte Việt Nam thực hiện hoạt động này.  Gần đây, phía tư vấn đã thực hiện đánh giá rà soát hiện trạng hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, từ đó xây dựng các tiêu chí kiểm toán, quy trình, thủ tục, biểu mẫu và tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp để chuyển giao kiến thức cho doanh nghiệp.   Ngày 31/3 vừa qua, Công ty cổ phần Traphaco đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, tiến hành bầu HĐQT, Ban kiểm soát, cử người đại diện vào Ủy ban kiểm toán… nhiệm kỳ 2021-2025 và định hướng hoạt động kinh doanh. Dựa trên đặc thù của Traphaco, đơn vị tư vấn sẽ thiết kế quy trình cho một cuộc kiểm toán được lựa chọn và dự kiến giữa tháng 5/2021, dự án sẽ tổ chức đào tạo chuyển giao quy trình cho Traphaco. Với sự chuẩn bị này, Traphaco đã xây dựng năng lực cho đội ngũ kiểm toán nội bộ đáp ứng quy định của pháp luật tại Thông tư 08/2021/TT-BTC và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. 

10.05.2021
744 Lượt xem
Tin dự án

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch cho thấy có khoảng 85% các bạn trẻ cho rằng hành vi thiếu trung thực sẽ gây tác động tiêu cực cho quốc gia, gia đình và cho chính bản thân; 87% số người được hỏi tin rằng thanh niên có vai trò đáng kể trong phòng, chống tham nhũng; 74% thanh niên cho biết họ không có hoặc thiếu hiểu biết về các kiến thức phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật liên quan, điều đáng chú ý là chỉ có 18% thanh niên được hỏi cho biết họ từng được giáo dục về phòng, chống tham nhũng.   Kể từ năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 137 về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng. Với ý nghĩa này, trong năm 2021, VCCI và UNDP đã phối hợp, hỗ trợ Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển giao tài liệu đào tạo của dự án về áp dụng cơ chế kiểm soát và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh để lồng ghép vào chương trình dạy học tại nhà trường.   Thông qua qua giáo dục sẽ là cách hiệu quả nâng cao nhận thức cho sinh viên, đồng thời có thể cung cấp cho họ những kiến thức hữu ích là hành trang trên con đường khởi nghiệp. Trong tương lai, họ không những sẽ là người chủ doanh nghiệp, dẫn dắt định hướng công việc kinh doanh hướng tới phát triển bền vững lâu dài mà còn là nhóm chủ thể chính góp phần hiện thực hóa các giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp, tổ chức nơi họ làm việc sau này. Một khi hiểu được tầm quan trọng của liêm chính trong kinh doanh cũng như được trang bị những kiến thức từ sớm, các bạn trẻ sẽ chủ động hơn trong việc giải quyết các thách thức, lan tỏa những thực tiễn tốt.   Ảnh chụp tại buổi đào tạo thí điểm tại Khoa Quốc tế, VNU   Ngoài ra, dự án hiện nay cũng đã và đang tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng thí điểm mô hình triển khai cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh như Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC), Công ty Cổ phần Traphaco và một số doanh nghiệp khác do nữ làm chủ tại Thành phố Thái Nguyên như Lucas là ví dụ. Với sự hỗ trợ ban đầu này, hy vọng sẽ là nền tảng giúp các công ty có điều kiện chuẩn hóa cơ chế kiểm soát nội bộ và ủy ban kiểm toán để đáp ứng các quy định pháp luật như Luật doanh nghiệp (2020), các văn bản hướng dẫn thi hành luật chứng khoán, các qui định hướng dẫn thực hiện Nghị định 05/2019/NĐ/CP ban hành ngày 22 tháng 1 năm 2019.   

07.05.2021
811 Lượt xem